Ngành Công Thương Phú Thọ khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngày đăng: 16/05/2022 04:16
Lượt xem : 336

Quý I năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn, ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Song, được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương, ngành Công Thương Phú Thọ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn,đồng hành cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt, chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với tăng cường công tác phòng chống dịch; do đó, sản xuất công nghiệp trong kỳ vẫn đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ "Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020" của Chính phủ cho Sở Công Thương Phú Thọ

So với quý cùng kỳ, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I năm 2022 ước tính tăng 8,51%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10,47%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,92%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 14,46%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,82%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 9.808 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Xuất khẩu ước đạt 2.916,3 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; Nhập khẩu ước đạt 2.674,2 triệu USD, tăng 1,96 lần so với cùng kỳ.

CPI bình quân quý I năm 2022 tăng 1,35% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh và đáng kể nhất là các nhóm: Giao thông tăng 16,10%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,56%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,27%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,92%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,91%; giáo dục tăng 0,63%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,54%;… Ở chiều ngược lại, các yếu tố giúp kiềm chế CPI quý I năm 2022 gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,21%; văn hoá, giải trí và du lịch giảm 2,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,22%;…

Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngành trên tất cả các lĩnh vực  Quy hoạch, kế hoạch; công nghiệp, thương mại, Quản lý năng lượng, quản lý hóa chất vật liệu nổ công nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra... đã được triển khai tích cực và đồng bộ.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được Chính phủ phê duyệt 07 KCN (đến nay đã có 04 KCN đi vào hoạt động, có 03 KCN còn lại đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng) tạo việc làm cho trên 48.000 lao động, với thu nhập bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, tổng số Cụm công nghiệp (CCN) đã được phê duyệt là 28 CCN. Đã có 22 CCN  được thành lập; 17 cụm đi vào hoạt động, với tổng số dự án đầu tư là 126 dự án; giải quyết việc làm cho 20.078 người (Ngoài ra có 02 CCN Bạch Hạc và Đồng Lạng do Ban quản lý các KCN tỉnh quản lý), với thu nhập bình quân người lao động 7 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp, ngành Công Thương đã thực hiện tốt việc theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất; bám sát, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các khu, cụm công nghiệp, các dự án trọng điểm trên địa bàn. Sở Công thương đã triển khai tốt Kế hoạch số 4787/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc ban hành Kế hoạch “Đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch, đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu và mặt hàng vật tư y tế phòng dịch trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 04 Trung tâm thương mại, 16 siêu thị và 197 chợ; giá trị hàng hóa qua chợ trung bình chiếm khoảng 35- 40% góp phần vào việc tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Trên địa bàn tỉnh có 04 kho xăng dầu với sức chứa 31.500 m3 và 263 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động phục vụ nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Sở Công Thươngđã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra nhằm đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Nắm bắt tình hình thị trường, giá cả đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đáp ứng tình hình diễn biến của dịch; thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tham mưu chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịchCOVID-19 các cấp. Quý I năm 2022 đã tiếp nhận hồ sơ thông báo thực hiện khuyến mại 2.910 chương trình, xác nhận 03 chương trình đăng ký thực hiện khuyến mại trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế được chú trọng, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới gây những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Phú Thọ 3 tháng đầu năm 2022 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Công tác quản lý nhà nước về năng lượng tiếp tục được ngành công thươngchú trọng. Quý I năm 2022 tình hình cung ứng điện của tỉnh Phú Thọ về cơ bản ổn định an toàn, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng nhân dân, góp phần vào tăng trưởng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giữ vững an ninh, quốc phòng, phục vụ tốt các sự kiện văn hoá chính trị, các ngày tết, ngày lễ lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh đặc biệt như Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tình hình sản xuất vẫn còn gặp khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng điện năng trên địa bàn tỉnh vẫn tăng, phụ tải điện trung bình ngày lớn nhất Pmax = 615 MW, phụ tải điện thấp nhất Pmin = 145 MW. Tăng trưởng điện năng thương phẩm ước đạt 114,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 99,6%. Ngành Công thương tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; Ngoài ra, phối hợp với Công ty điện lực Phú Thọ tham mưu UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 (Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV).

Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới. Thực hiện tốt chế độ một cửa trong công tác cải cách hành chính nhà nước. Trong Quý I năm 2022, đã tiếp nhận 1.656 hồ sơ TTHC (Trong đó tiếp nhận trực tuyến là 1.519 hồ sơ; tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính là 137 hồ sơ; số hồ sơ từ kỳ trước chuyển qua là 13 hồ sơ). Số lượng hồ sơ đã giải quyết là 1.661 hồ sơ (Trong đó: Giải quyết trước hạn: 1.660 hồ sơ (đạt 99,94%); Đúng hạn: 01 hồ sơ; Số lượng hồ sơ đang giải quyết: 08 hồ sơ (đang trong hạn); Số hồ sơ quá hạn: không có).

Chương trình khuyến công đã triển khai khảo sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia và địa phương năm 2022 cho các dự án.Hoạt động xúc tiến mại và thương mại điện tử được duy trì thường xuyên, đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có cơ hội hợp tác liên doanh, ký kết hợp đồng mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh để người tiêu dùng và đối tác tiếp cận nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng để phát triển thị trường tiêu thụ trong xu thế hội nhập.

Ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế

Để phấn đấu năm 2022 đạt các chỉ tiêu đã đề ra: Giá trị tăng thêm của CN-XD  đạt 17.847 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 40.000 tỷ đồng; xuất khẩu: 8.000 triệu USD; nhập khẩu: 7.900 triệu USD, ngành Công Thương tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư. Tập trung nâng cao chất lượng, dịch vụ hành chính công, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành còn gây phiền hà, tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân; công khai minh bạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy SXKD cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu của ngành được UBND tỉnh giao.

Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh và gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường công tác dự báo thị trường, công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và lợi thế của tỉnh. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Song song với đó là thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu.Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, găm hàng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành Công Thương Phú Thọ đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò là “đầu tàu” thúc đẩy kinh tế xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Bằng các giải pháp quyết liệt, thời gian tới, ngành Công Thương Phú Thọ sẽ triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra để hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt./.

Admin

Gửi mail

Tin liên quan