Tình hình phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Ngày đăng: 02/11/2017 08:25
Lượt xem : 3281

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nêu rõ: “Phát triển công nghiệp có trọng điểm, chú trọng thu hút và phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường vào các khu, cụm công nghiệp… Phòng ngừa, kiểm soát và giải quyết kịp thời các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là những tiểu vùng có nguy cơ cao; thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; phấn đấu 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo tiêu chuẩn môi trường…”
Theo Quy hoạch phát triển tổng thể các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, đã được Chính phủ phê duyệt; trên địa bàn tỉnh quy hoạch xây dựng 07 Khu công nghiệp và 26 Cụm công nghiệp; trong đó: 03 Khu công nghiệp là Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà và 15 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động. Các doanh nghiệp đầu tư trong Khu, cụm công nghiệp đã thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường; đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ và gửi báo cáo đến cơ quan chức năng theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận. Kết quả trên 94% doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường định kỳ; các doanh nghiệp thực hiện thu gom, phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại và ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để được vận chuyển, xử lý theo quy định
Thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/6/2008, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/6/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện quy định bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ hơn. Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được nâng lên, nhất là trong công tác thực hiện các quy định về quản lý môi trường, như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, đầu tư công trình xử lý chất thải. Ban quản lý các khu công nghiệp đã yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung; yêu cầu tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đưa vào hệ thống thu gom xử lý nước thải của khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường; các doanh nghiệp phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải; doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng quy định,… Do vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cụ thể:
Các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thực hiện quan trắc môi trường đầy đủ về các chỉ tiêu, tần suất trong các khu công nghiệp, báo cáo sở, ngành theo quy định.
Các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.
Các cơ sở trong Khu công nghiệp Thụy Vân đã thực hiện việc ký kết các điều kiện xả nước thải vào hệ thống thoát nước thải chung của khu công nghiệp, đã và đang thực hiện đấu nối thoát nước vào hệ thống thoát nước tập trung của khu công nghiệp.
Thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của tỉnh.
Doanh nghiệp trong cáckhu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Một số ngành nghề có mức độ xả thải khí thải cao, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí,… đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm khí thải, tiếng ồn.
Việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn được hầu hết các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Đa số các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý; việc thu gom, xử lý chất thải rắn cơ bản được bảo đảm. Việc đăng ký nguồn chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại được quan tâm thực hiện; trên địa bàn tỉnh đã có đơn vị có đủ chức năng xử lý chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường.
Những thuận lợi, khó khăn:
Thuận lợi: Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện, có sự phân cấp trong công tác quản lý; các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đã ý thức được công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cơ bản và cấp thiết cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Khó khăn: Địa bàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dàn trải trên địa bàn tỉnh trong khi lực lượng quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn hạn chế nên khó ngăn chặn và phát hiện hành vi xả thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trang thiết bị cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu, khi lấy mẫu đột xuất phải phối hợp với các đơn vị có đủ chức năng và thiết bị, máy móc thí nghiệm, kiểm định.
Hạn chế: Vẫn còn doanh nghiệp có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là đối với việc xả thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trong khi cơ quan quản lý chưa chủ động phát hiện và ngăn chặn được các hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép; một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có khu, trạm xử lý nước thải tập trung.
Nguyên nhân:
Do điều kiện nguồn kinh phí hạn chế nên việc bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ; việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường thiếu đồng bộ; một số dự án đầu tư trước đây công nghệ lạc hậu chưa kịp thời cải tạo hệ thống xử lý bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm hành chính về môi trường mới chỉ ở mức răn đe, chưa áp dụng biện pháp quyết liệt, đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Số lượng cán bộ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế.
Để bảo đảm hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụmcông nghiệp trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ hai: Tăng cường công tác nắm tình hình doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ ba: Chú trọng công tác lập quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; không thu hút các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ tư: Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trườngđể đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải có quy mô lớn,công nghệ tiên tiến, tránh tình trạng chôn lấp tạm thời hoặc đầu tư nhà máy xử lý rác thải quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; ưu tiên xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, các nhà máy xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp./.

Phòng Quản lý Công nghiệp

Gửi mail

Tin liên quan