Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngày đăng: 06/03/2019 02:00
Lượt xem : 958

Chủ trì tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi ngày 4/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chống dịch như chống giặc, các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn bệnh dịch có hiệu quả. 

                         

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị (nguồn: chinhphu.vn)

Dự hội nghị có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước kết quả dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý và có biện pháp hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, xử lý dịch bệnh tại địa phương.

Các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng. 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành cùng các địa phương tập trung thống nhất đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi từ trung ương đến địa phương; siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn; nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương để chỉ đạo, giám sát, đôn đốc việc phòng chống dịch. Đồng chí yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn; tăng cường vai trò của thú y cơ sở; cần hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn lợn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi, để chủ động phòng chống dịch bệnh, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu: Phú Thọ có hệ thống giao thông thuận lợi lại đang là mùa lễ hội nên rất dễ lây lan dịch bệnh; việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y còn nhiều hạn chế nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Do vậy, các ngành liên quan cần sớm xây dựng các trạm kiểm dịch tại các điểm kết nối giao thông giữa Phú Thọ với các tỉnh khác. Các địa phương vào cuộc quyết liệt để phát hiện sớm và xử lý đảm bảo an toàn môi trường nếu dịch bệnh xảy ra. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật; kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ thịt lợn qua địa bàn.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, sát thực tế. Chủ tịch UBND các huyện, thành thị, lãnh đạo một số cơ quan liên quan căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng văn bản kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho phù hợp và chịu trách nhiệm theo chức năng của mình quản lý. Sau hội nghị này tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Đối với công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên đề tuyên truyền cụ thể về phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và các loại bệnh dịch khác trên vật nuôi.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chịu trách nhiệm chính về nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cách nhận biết và hướng dẫn biện pháp xử lý khi lợn bị bệnh để người dân nắm rõ, thực hiện theo đúng phương pháp; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trong các hội nghị ở khu dân cư, trên hệ thống loa phát thanh, trên mạng xã hội để người dân không chủ quan, hoang mang dẫn đến giấu dịch; khuyến cáo với người dân về sử dụng con giống có nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, từ đó góp phần để ngành chăn nuôi lợn của tỉnh phát triển bền vững.

                          

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Phú Thọ

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra và vi rút này chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Tuy không lây nhiễm và gây bệnh ở người nhưng bệnh lây lan nhanh và lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Vi rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông. Lợn khỏi bệnh về lâm sàng có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019 đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương) với tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy hơn 4.200 con; trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Từ tháng 8/2018 đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo quyết liệt việc xử lý, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tại các địa phương.

Tỉnh Phú Thọ hiện đứng thứ 7 trong ngành Chăn nuôi lợn toàn quốc với tổng đàn lợn gần 800.000 con; có gần 4.000 cơ sở chăn nuôi quy mô từ 30 con lợn thịt trở lên; trên 1.500 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ; 2.500 hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi song có nguy cơ lây lan, bùng phát rất cao do Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm của cả vùng với nhiều đường giao thông liên tỉnh và tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nhiều cầu nối với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang. Bên cạnh đó, các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh đã giải thể và chờ quy hoạch mới của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên rất khó khăn trong việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trong nước cũng như từ biên giới vào nội địa.

Theo Phutho.gov.vn

 

Admin

Gửi mail

Tin liên quan