Ký hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư VN - EU: Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi
Ngày 30-6, tại Nhật Bản, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA).
Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) và bà Cecilia Malmström Cao ủy về thương mại của EU tại lễ ký kết Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại hội nghị các nhà lãnh đạo G20, ông đã gặp chủ tịch EU và nhấn mạnh ngày 30-6 là ngày lịch sử trong quan hệ VN – EU, từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi.
Theo Bộ Công thương, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của VN.
Đổi lại, VN cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng xuất khẩu từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Và sau 7 năm hiệp định có hiệu lực, 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được VN xóa bỏ thuế nhập khẩu...EVFTA là hiệp định thế hệ mới yêu cầu cao và có tính toàn diện trong cả lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống, có những vấn đề rất mới như mua sắm chính phủ, hay vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả. Doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên năng lực nghiên cứu và phát triển có giới hạn, nguồn lực hạn chế, năng lực sản xuất cũng hạn chế, chưa kể các mối quan hệ làm ăn quốc tế cũng chưa được nhiều. Đây có thể sẽ là trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt nếu không thể tự tạo ra cho mình tham gia sâu trong những chuỗi cung ứng phù hợp, để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA).
Để khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và IPA, doanh nghiệp cần tập trung các vấn đề chủ động nắm bắt toàn diện nội dung hiệp định; doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại, đầu tư. Vì vậy, cơ chế xử lý tranh chấp cũng là những nội dung Chính phủ quan tâm, đã lên kế hoạch cùng với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Ngoài ra, ý nghĩa hiệp định này giúp VN có động lực tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn là sự hợp tác công nghệ hai bên, thuận lợi cho VN trong phát triển những ngành quan trọng, giúp VN tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đa phương hóa, đa dạng hóa, hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh trỗi dậy nền kinh tế bảo hộ.
Nhà đầu tư được di chuyển nguồn vốn, tài sản
Về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công trong EVFTA, đây không phải lần đầu trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đề cập tới nội dung này. Trong CPTPP có cả một chương đề cập mua sắm công. Vì vậy, VN đã có kinh nghiệm... mở cửa thị trường mua sắm công cũng chính là chủ trương tiếp tục cải cách về thể chế, pháp luật nhằm mang lại sự cạnh tranh cao hơn trong hội nhập. Cơ hội hai hiệp định mang lại nhiều điều, nhưng đây không phải con đường dễ dàng. Các quy định cần điều chỉnh để giảm tệ quan liêu, hành chính tập trung, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tại VN có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định mang lại.
Các quy định trong EVFTA, IPA, về vấn đề an ninh, môi trường, lao động... cũng được hai bên nghiên cứu để hợp tác. Các hiệp định này sẽ mang lại sự hợp tác của cả người dân hai bên chứ không dừng ở cấp chính phủ.
Với riêng EVFTA, quy tắc xuất xứ cộng gộp toàn phần có thể mang lại hi vọng cho doanh nghiệp Việt, vốn dĩ còn gặp khó khăn về năng lực sản xuất và nghiên cứu như đã nêu. Quy tắc xuất xứ cộng gộp này cho phép các mặt hàng Việt Nam được sản xuất từ nhiều khâu có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ các nước khác mà vẫn đảm bảo hàm lượng "nội khối".
Riêng về IPA, là hiệp định bảo hộ đầu tư, bảo đảm cho các nhà đầu tư được phép di chuyển nguồn vốn, tài sản của mình sau khi thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời cũng hình thành cơ chế thành lập tòa án giải quyết các mâu thuẫn về đầu tư.
Cụ thể, có những tiêu chí rất rõ cho các hành vi Nhà nước không thể áp dụng phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài. Và có bổ sung các quy định nhằm miễn trừ cho Nhà nước trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đến phát triển bền vững, như môi trường, phát triển cộng đồng, đạo đức, văn hóa xã hội. Về vấn đề này VN đã sẵn sàng trong đối phó với các vụ kiện của nhà đầu tư nước ngoài, đã ký hơn 60 hiệp định bảo hộ đầu tư với các quốc gia. Chính phủ đã từ bỏ việc miễn trừ tố tụng quốc gia, do vậy chúng ta sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện. Nhiệm vụ của cơ quan chính phủ là việc nhanh chóng hoàn thiện các thể chế chính sách, đặc biệt pháp luật về đầu tư kinh doanh...
Những tác động của hiệp định tới VN
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT nghiên cứu đánh giá tác động của hiệp định EVFTA ngày 28-6. Kết quả cho thấy hiệp định có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của VN sang EU, song do năng lực xuất khẩu của VN không thể tăng tương ứng, nên tăng xuất khẩu sang EU sẽ có một phần lớn, do chuyển hướng thương mại, do điều kiện xuất khẩu sang EU thuận lợi hơn nên doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang EU.
Theo tính toán của Bộ KH-ĐT xuất khẩu của VN sang EU tăng trung bình 5,2-8,1% giai đoạn 2019-2023; trên 11-15% giai đoạn 2024-2028 và 17,9-21,9% giai đoạn 2029-2033.
Cắt giảm thuế quan theo FTA, theo Bộ KH-ĐT, khiến giảm thu ngân sách ở mức cao trong năm đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong các năm tiếp theo. Mức tăng thu ngân sách sẽ tăng dần theo mức độ tác động của hiệp định tới tăng trưởng.
Tác động theo ngành, EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhiều ngành: gạo; đường, thịt heo; lâm sản; thịt gia súc gia cầm; đồ uống và thuốc lá; dệt, may mặc, da giày; dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm; các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, một số ngành như các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm khoáng và phi kim loại, sản phẩm giấy... sẽ giảm xuất khẩu sang EU. Nhóm hàng VN được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hóa chất.
Do xuất khẩu sang EU tăng nhanh hơn nhập khẩu từ EU, về cơ bản EVFTA tiếp tục làm gia tăng thặng dư thương mại của VN.
Nguyễn Hưng - QL ĐT&HTQT