Xuất khẩu hàng hóa sang EU và Hoa Kỳ gặp khó
EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên so ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam: dệt may, giày dép, thủy sản sang hai thị trường này gặp khó khăn do nhiều đối tác nhập khẩu dừng đơn hàng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý I/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và thủy sản ước đạt lần lượt 6,49 tỷ USD 3,85 tỷ USD và 1,58 tỷ USD. Trong đó, hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu giảm hơn 11%, sau đó đến dệt may giảm tới 9% so với cùng kỳ năm trước.
Với ngành hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, EU như dệt may, da giày, do đối tác đề nghị giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4,5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi, khiến dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ Covid-19.
Thị trường Mỹ chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2019, EU chiếm 18% tổng cả hai trị trường này, chiếm hơn 64% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày- túi sách Việt Nam là Mỹ, EU có dấu hiệu suy giảm mạnh đơn hàng, khi các quốc gia và khu vực này đóng cửa biên giới.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, các hợp đồng đàm phán của quý II-2020, thậm chí quý III/2020 chưa thể chốt được, do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ đang trên đà suy giảm sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này. Không chỉ giảm đơn hàng, nhiều đối tác nhập khẩu, còn đột ngột dừng đơn hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, nhiều container hàng đang trên đường vận chuyển, khi đến cảng biển của Mỹ và EU sẽ phải lưu kho, chờ đến khi đối tác nhận hàng. Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều chi phí phát sinh, còn dòng tiền bị “đóng băng”, không thể lưu chuyển.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Mỹ về việc dừng nhập hàng từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các doanh nghiệp mua hàng tại các thị trường này gặp khó khăn từ dịch Covid-19.
Qua làm việc giữa Bộ Công Thương, phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ, Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp nhất thời đối phó với dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe của người dân.
Các hàng hóa dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc men, khẩu trang, máy trợ thở… không tác động trực tiếp tới chích sách xuất khẩu hàng hóa Việt Nam – EU. Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết không áp dụng bất kỳ biện pháp nào, ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam sang thị trường này. Do dịch bệnh Covid-19 nên hàng loạt hệ thông bán lẻnhững mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may tại Châu Âu (EU) và Mỹ đóng cửa nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn hàng, hợp đồng trong thời gian ngắn.
Trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp. Song song với dó là tiếp tục rà soát thị trường, thúc đẩy hàng hóa trở lại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản- nơi kiểm soát dịch đã khả quan hơn.
Vụ Thị trường Châu Á- Châu phi (Bộ Công thương) cho biết, trong khi EU, Mỹ gặp khó khăn; thì một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN vẫn được các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bình thường. Hàn Quốc dù bị Covid-19 nặng nề, nhưng không đóng cửa biên giới, hoạt động giao thông đường biển vẫn bình thường, nên thời gian tới, cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này. Tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó khơi thông hàng hóa Việt Nam, cơ hội cho hàng hóa sau dịch là rất lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường và tăng thị phần ở các thị trường truyền thống./.
Phòng QLĐT&HTQT tổng hợp
Nguồn từ Cục XNK Bộ Công thương